TUYÊN TRUYỀN HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG ĐIỆN AN TOÀN VÀ PHÒNG TRÁNH TAI NẠN ĐIỆN TRONG MÙA MƯA BÃO - Cổng thông tin điện tử - Phường 1
TUYÊN TRUYỀN HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG ĐIỆN AN TOÀN VÀ PHÒNG TRÁNH TAI NẠN ĐIỆN TRONG MÙA MƯA BÃO
1. Đề phòng tai nạn điện trong mùa mưa bão:
- Khi thấy dây dẫn điện chạm vào tường, chạm vào cây xanh, chạm vào các vật liệu khác mà không có sứ cách điện thì không được đụng đến, phải thông báo ngay với đơn vị điện lực đang quản lý vận hành lưới điện trong khu vực để kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa xảy ra chạm chập, rò điện, phóng điện rất nguy hiểm.
- Dây dẫn điện đi xuyên tường vào nhà phải đặt trong ống nhựa hoặc ống sứ bảo vệ, không để nước mưa đọng lại trong ống hoặc chảy theo ống vào nhà. Dây dẫn điện không được chạm, cọ xát vào mái tôn hoặc các khung xà bằng kim loại.
- Thường xuyên kiểm tra các đường dây, ổ điện trong gia đình; lắp đặt đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm tra, bảo trì định kỳ hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Khi bị mưa ngập thì tốt nhất nên ngắt cầu dao điện toàn bộ nhà, đề phòng nước ngập các ổ điện, rò điện gây nguy hiểm. Không tự ý sửa chữa đường điện khi đang có mưa bão; không lên sân thượng khi đang mưa dông để thông tắc thoát nước vì có thể đường dây điện đi qua sân thượng, mái hiên rất nguy hiểm nếu rò điện.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, nếu thấy không đảm bảo an toàn cần sửa chữa, thay thế ngay. Những khu vực có đường dây điện đi qua cần kiểm tra, không để điện truyền ra nhà cửa, cây cối, hàng rào hay xuống nước,… rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn cho con người, vật nuôi.
- Các thiết bị điện bị ngấm nước, phải sấy khô mới được sử dụng. Khi người hoặc chân tay bị ướt không được tiếp xúc với điện. Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện và trụ điện bị ngã đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần.
- Cầu dao, cầu chì, áp-tô-mát, công tắc, ổ cắm trong gia đình phải đặt ở nơi khô ráo và thuận tiện cho việc sử dụng. Riêng các hộ sử dụng điện có trẻ nhỏ hoặc nằm trong vùng có thể bị ngập nước, các thiết bị trên còn phải đặt cách mặt đất ít nhất 1,4m. Chỉ được sửa chữa điện trong nhà sau khi đã cắt điện, chân tay khô ráo và chân đi giày cách điện hoặc dép khô.
- Trường hợp có mưa to, gió lớn, lũ lụt có khả năng gây sự cố đường dây, trạm điện và gây tai nạn điện trong nhân dân, các Ban chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương cần phối hợp với Điện lực tại địa phương để cắt điện cô lập kịp thời những khu vực mất an toàn.
- Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo cơ quan điện lực cắt điện. Không tự ý lội trong nhà dọn đồ đạc sẽ bị điện rò trong nước gây tai nạn chết người.
- Khi có giông bão, mọi người phải tránh xa các bộ phận công trình điện mà đặc biệt là không đứng dưới đường dây dẫn điện cao áp. Các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình lắp đặt các pa-nô quảng cáo có khả năng ngã đổ vào đường dây điện khi gió lớn cần phải gia cố chắc chắn để bảo đảm an toàn cho lưới điện và con người. Người dân, khi thấy hiện tượng bất thường tại các bộ phận công trình điện (như: dây điện đứt rơi xuống, cây đổ hoặc cành cây gãy đè vào đường dây, trạm điện; cột điện đổ, sứ vỡ, điện bị rò; nước ngập sát tủ điện trạm biến áp; nổ hoặc cháy cáp ngầm, đường dây hay trạm điện …) thì hãy tránh xa và khuyến cáo mọi người không được đến gần những vị trí nói trên, đồng thời báo ngay với điện lực địa phương (theo các số điện thoại bên dưới) trong thời gian nhanh nhất để kịp thời có biện pháp xử lý khắc phục.
2. Biện pháp phòng ngừa cháy nổ do chạm chập điện:
- Khi sử dụng lò điện không được để gần vải vóc hoặc vật dễ cháy, đặt biệt khi sử dụng máy sấy quần áo, bàn ủi (bàn là) thì càng không thể tùy ý khi đi ra ngoài, tránh tình trạng quần áo bị sấy nóng quá mức sẽ phát cháy.
- Máy móc, thiết bị điện sử dụng quá lâu, nếu như bên trong tích tụ bụi thì rất dễ bị hư hỏng, gây ra rò rỉ điện hoặc do côn trùng, gián chuột cắn, hư hỏng lớp vỏ ngoài dây điện dẫn đến chập mạch gây cháy nổ. Vì vậy để tránh xảy ra tình trạng này cần phải kiểm tra định kỳ máy móc, thiết bị điện.
- Phích cắm điện nên đóng chặt, không nên để lỏng lẻo nhằm tránh chạm mạch sẽ phát lửa bật cháy những vật dụng xung quanh.
- Không chạm vào chỗ đang có điện trong nhà như: ổ cắm điện, cầu dao, cầu chì không có nắp đậy, chổ tróc vỏ bọc cách điện của dây dẫn điện, chổ nối dây, dây điện trần.
- Dây dẫn điện trong nhà phải được đặt trong ống cách điện và dùng loại dây có vỏ bọc cách điện, có tiết diện dây đủ lớn để có dòng điện cho phép của dây dẫn điện lớn hơn dòng điện phụ tải, dây không bị quá tải gây chạm chập, phát hỏa trong nhà.
- Bóng đèn hoặc những đồ vật dùng điện khác không đặt gần những vật dễ cháy, đặt biệt không được gắn đèn trong tủ quần áo để tránh tình trạng gây hỏa hoạn.
- Không nên dùng thiết bị điện vượt quá khả năng chịu tải của dây điện.
- Không nên sạc pin dự phòng của điện thoại, máy tính trong thời gian dài để tránh phát nổ gây cháy.
- Phải lắp cầu dao hoặc aptomat ở đầu dây dẫn điện chính trong nhà để ngắt dòng có chạm chập, ngăn ngừa phát hỏa do điện.
3. Biện pháp phòng tránh tai nạn điện trong nhân dân:
- Không đóng cầu dao, bật công tắc khi tay ướt, chân không mang dép, đứng nơi ẩm ướt.
- Khi sử dụng thiết bị điện cầm tay phải mang găng tay cách điện để không bị điện giật khi công cụ bị rò rỉ điện.
- Không sử dụng dây điện, thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà có chất lượng kém vì các thiết bị điện này có lớp cách điện không tốt dễ gây rò điện, chạm chập gây an toàn điện.
- Khi sửa chữa điện trong nhà phải cắt cầu dao điện và phải treo bảng cấm đóng điện tại cầu dao để người khác biết.
- Thực hiện nối đất vỏ kim loại các thiết bị điện trong nhà như tủ lạnh, vỏ máy nước nóng, vỏ máy bơm nước, vỏ máy giặt để không bị điện giật khi thiết bị điện bị rò điện ra vỏ bọc.
4. Những điều cần biết khi sử dụng điện trong gia đình:
- Khi nghe tiếng kêu khác thường phát ra từ thiết bị sử dụng điện hoặc dây dẫn điện, cần phải cắt điện cầu dao tổng (hoặc aptomat) và gọi điện cho các dịch vụ đến sửa chữa hoặc nhờ người có kiến thức về điện để kiểm tra hệ thống điện trước khi tiếp tục sử dụng thiết bị điện trong gia đình.
- Không buộc dây vào cột điện hoặc dùng dây dẫn điện để phơi, móc quần áo và các vật dụng khác lên dây dẫn điện.
- Không cắm trực tiếp đầu dây dẫn điện vào ổ cắm, phải có phích cắm chắc chắn, phích cắm phải là phía tải (thiết bị sử dụng điện) và ổ cắm là phía nguồn điện.
- Không nên lắp dây dẫn điện, aptomat, cầu dao, cầu chì trên các vật dễ cháy như: gỗ, giấy, mái lá, sốp cách nhiệt... để tránh gây ra chập điện hay hỏa hoạn. Các điểm nối phải đúng kỹ thuật, không được trùng nhau (phải so le), quấn băng keo cách điện.
- Không được dùng vật dễ cháy làm chóa đèn.
- Trước khi ra khỏi nhà hoặc trước khi đi ngủ phải kiểm tra các thiết bị sử dụng điện, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
Nghiêm cấm các hành vi khác gây mất an toàn điện theo quy định của Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ.
Số điện thoại các đơn vị điện lực để liên hệ khi có sự cố về điện:
1. Điện lực thành phố Vũng Tàu: 0254.2210339
2. Truyền tải điện Miền Đông 1: 0251.2211222